Ngũ Vị Tôn Quan năm ông quan lớn hay còn gọi là Ngũ Vị Tôn Ông, Ngũ Vị Quan Lớn trong đạo Mẫu, Tứ Phủ được nhân dân tôn thờ trong các đền phủ là ai ?. Công Viên Tâm Linh xin giới thiệu quý độc giả về các ngài, địa điểm thờ, ngày lễ chính hiện nay.
- Quan Lớn Đệ Nhất Thượng Thiên
- Quan Lớn Đệ Nhị Thượng Ngàn ( Quan Đệ Nhị Giám Sát)
- Quan Lớn Đệ Tam Thoải Phủ
- Quan Lớn Đệ Tứ Khâm Sai
- Quan Lớn Đệ Ngũ Tuần Tranh.
Quan Lớn Đệ Nhất Thượng Thiên Là Ai ?
Tìm hiểu về Quan Lớn Đệ Nhất Thượng Thiên
Quan Lớn Đệ Nhất Thượng Thiên có tên khác là Đức Thánh Cả, Tôn quan đệ nhất. người đứng đầu trong Ngũ Vị Tôn Quan. Tước phong của ngài được biết đến là: Đào tiên đệ nhất – Điều thất hoàng thái tử Vương Quan thượng đẳng tối linh thần. Danh hiệu vua phong Tham nghị triều chính Vương Quan.
Tham khảo bài viết hay (click):
Quan lớn Đệ Nhất Thượng Thiên trực tiếp hầu cận bên phải đền vua cha Bát Hải Động Đình. Ngài thay quyền và đại diện cõi nhân gian, thừa hành Tam giới, tâu đối tội phúc nhân danh cõi thượng thiên (trên trời).
Khi ngự về Ngài ngự áo bào, đai mạng, nét đều đỏ chỉ khai quang chứng phủ, không làm việc và hiến tửu. Trong lễ mở phủ thì Ngài là người khai hồ màu đỏ.Thông thường khi khai đàn mở phủ, người ta phải thỉnh Quan Đệ Nhất về để pháp sư tuyên sớ điệp sau đó quan phê sớ, phú huý, công cứ rồi tuyên bố khai đàn mở phủ.
Truyền thuyết về quan lớn Đệ Nhất Thượng Thiên của Tứ Phủ:
Ngài quan lớn Đệ Nhất Đệ Nhất Thượng Thiên là con trai cả của đức vua cha Ngọc Hoàng, cai quản Thượng Thiên. Tương truyền, ông là Tôn quan đại thần trên Đế Đình Thiên Cung. Quan lớn Đệ Nhất cũng ít khi về ngự đồng, chỉ những dịp có đại sự như: mở phủ, tạ phủ, hầu xông đền xông điện thì quan mới về ngự đồng. Ông mặc áo đỏ thêu rồng, hổ phù; làm lễ tấu hương, khai quang, chứng sớ điệp trạng mã.
Tương truyền rằng từ thời vua Hùng thứ 18, Quan Đệ Nhất Thượng Thiên giáng hạ làm Quan Lớn Thượng, hay Thánh Cả giúp Vĩnh Công ( Vĩnh Công được dân gian suy tôn là Vua Cha Bát Hải Động Đình) đánh giặc. Trong đợt tuyển lựa tướng – quân đánh giặc khi đó, ngoài quan lớn Đệ Nhất có ngài quan lớn Đệ Tam Thoải Phủ và quan lớn Đệ Tứ Khâm Sai.
Được lệnh Thiên Đế sắc giáng, Thái hậu bà nhận ông và đặt tên Ngài là Nguyễn Hồng Liệt, ngày Ngài xuống là ngày 10 tháng 1 năm Bính Dần. Ông là Quan lớn cai quản Thượng Thiên, là thái tử của Thiên đế, ở ngôi Thượng thiên Nhất phẩm Công Hầu. Sau khi mãn hạn hầu đức Vua Cha, có mây ngũ sắc đón rước Ngài về trời, hôm đó ngày 24 tháng 8.
Tước phong của Ngài “Đào tiên đệ nhất hoàng thái tử Vương quan Thượng đẳng Tối linh thần”. Quan lớn ít khi ngự đồng, chỉ khi đại đàn, khai phủ, tân niên, tạ phủ Quan mới giáng ngự.
Đền thờ Quan Lớn Đệ Nhất Thượng Thiên ở Thái Bình
Hiện nay đền thờ Quan Lớn Đệ Nhất Thượng Thiên được xây dựng và hoàn thành. Đền nằm ở quần thể di tích đền Đức Vua Cha Bát Hải Đồng Bằng, cách đền Đồng Bằng khoảng 500m. Làng Đồng Bằng nằm kề quốc lộ 10, cách thành phố Thái Bình 20km, cách thành phố Hải Phòng 60km.
Thuở xưa, làng này còn có tên là Đào Động, nay thuộc xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ. Đền Đồng Bằng còn tên gọi là đền Vua Cha Bát Hải hoặc đền Đức Vua Cha Bát Hải Động Đình. So với các di tích kiến trúc cổ hiện còn ở Thái Bình thì đền Đồng Bằng có quy mô kiến trúc nghệ thuật lớn, với lịch sử gần 4000 năm.
Lễ chính tiệc Quan lớn đệ Nhất Thượng Thiên tổ chức vào tháng 8 âm lịch hằng năm.
Tham khảo bài viết hay:
Quan Lớn Đệ Nhị Thượng Ngàn- Quan Đệ Nhị Giám Sát
Quan Lớn Đệ Nhị Thượng Ngàn là vị quan thứ 2 trong Ngũ Vị Tôn Quan. Ông còn được biết đến là Quan Đệ Nhị Giám Sát -có một số người gọi là Quan Thanh Tra Giám Sát. Quan lớn vốn là con trai thứ hai của Vua Cha Ngọc Hoàng. Ông theo lệnh Vua Cha, hạ phàm đầu thai vào Hoàng Cung (có sách nói là ông hạ phàm ngày mồng ba tháng mười một năm Ất Dậu vào một nhà quý tộc) ngày mồng mười tháng mười một năm Bính Dần
Quan lớn đệ Nhị Thượng Ngàn là người văn võ toàn tài, thông minh chính trực, được khắp muôn nơi ngưỡng mộ, các vương tôn công tử đều thuận tình đến làm học trò. Đến khi về chầu Thiên Đình. Ông lại được giao quyền giám sát quản cai Sơn Lâm, Thượng Ngàn, giáng thế ban phúc cho dân. Khi dân chúng bị hạn hán, cầu đảo ông thì lập tức có mưa thuận gió hòa.
Quan Lớn Đệ Nhị là một trong ba vị quan lớn rất hay ngự về đồng (kể cả trong những ngày tiệc vui). Khi ngự đồng, ông mặc áo xanh ( xanh la hay xanh lá cây) thêu rồng, hổ phù; làm lễ tấu hương, khai quang, chứng sớ và múa kiếm.
Cũng như Quan Đệ Nhất, khi khai đàn mở phủ, người ta thỉnh Quan Đệ Nhị về chứng đàn Nhạc Phủ (Thượng Ngàn: đàn mã đều màu xanh). Ngoài ra vào những dịp đại lễ (như mở phủ khai đàn, tạ phủ…), trước ngày làm lễ, người ta thường thỉnh Quan Đệ Nhị về thanh tra giám sát đàn mã đền phủ.
Tước phong của Quan Lớn Đệ Nhị Thượng Ngàn: Nhạc thần đại vương – Đô đài giám sát – Đệ nhị thượng ngàn giám sát đại vương thượng đẳng tối linh thần.
Đền thờ Quan Lớn Đệ Nhị Thượng Ngàn- Quan Đệ Nhị Giám Sát
Đền thờ Quan Lớn Đệ Nhị Thượng Ngàn được xây dựng ở hai nơi chính là:
– Đền Quan Giám ở Lạng Sơn: đền tọa lạc tại thông Việt Thắng, xã Hòa Lạc, huyện Hữu Lũng, của tỉnh Lạng Sơn. Tổ chức lễ hội Đền thờ Quan Lớn Đệ Nhất Thượng Ngàn vào ngày 11 tháng 11 âm lịch hằng năm.
– Đền Quan ở Phố Cát, xã Thành Vân, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa.
Lễ chính tiệc Quan Lớn Đệ Nhị Thượng Ngàn là ngày 11/11 âm lịch (là ngày hạ phàm của quan).
Quan Lớn Đệ Tam Thoải Phủ
Hầu như những người đã ra hầu Tứ Phủ, khi hầu hàng Quan Lớn, ai cũng phải hầu về Quan Lớn Đệ Tam. Có thể coi ông là vị Quan Lớn tài danh trong Ngũ VỊ Tôn Quan. Khi ngự đồng, ông mặc áo trắng thêu rồng, hổ phù; làm lễ tấu hương, khai quang, chứng sớ điệp và ông múa đôi song kiếm. Khi có đại tiệc khai đàn mở phủ, người ta thỉnh quan về chứng đàn Thoải Phủ (gồm có long chu phượng mã, lốt tam đầu cửu vĩ… tất cả đều màu trắng).
Tước phong của quan lớn Đệ Tam Thoải Phủ: Thủy tào điển sứ – Đệ tam thủy thần nhạc đại vương thượng đẳng tối linh thần. sắc phong Lảnh Giang Tôn Thần Phạm Vĩnh Đại Vương
Các đền thờ Quan Lớn Đệ Tam Thoải Phủ gồm có:
- Đền Lảnh Giang ở Hà Nam
- Đền Xích Đằng ở Hưng Yên
- Đền Quan Đệ Tam ở gần Đền Đồng Bằng Thái Bình,
- Đền Quan Lớn Phủ Dầy ở Nam Định.
Tìm hiểu về Siêu Công Viên Nghĩa trang Lạc Hồng Viên Hòa Bình
Đền thờ Quan Lớn Đệ Tam tại Lảnh Giang
Căn cứ vào thần tích “Hùng triều nhất vị thuỷ thần xuất thế sự tích” (sự tích ra đời một vị thuỷ thần triều vua Hùng. Thần tích này do Bát phẩm thư lại Nguyễn Hiền, tuân theo bản cũ triều trước, chép lại vào niên hiệu Vĩnh Hựu thứ 2 (1736). Thần tích đang được lưu giữ tại Đền Quan Tam Lảnh Giang cùng các sắc phong, câu đối, cũng như truyền thuyết địa phương thì lịch sử ba vị tướng họ Phạm thời Hùng Vương được thờ ở Đền Lảnh Giang.
Đền thờ Quan Lớn Đệ Tam Lảnh Giang nằm bên bờ sông Hồng thuộc xã Mộc Nam, huyện Duyên Tiên, tỉnh Hà Nam. Ðền Lảnh Giang tọa lạc trong khuôn viên có diện tích gần 3.000 m², bao quanh là không gian xanh của vườn nhãn, đầm sen, bến nước. Cửa đền hướng ra dòng sông Hồng mênh mông sóng nước.
Kiến trúc đền thờ Quan Tam Lảnh Giang hiện nay gồm các công trình: hồ bán nguyệt, tam quan và đền chính. Hồ bán nguyệt được trồng hoa súng đỏ, giữa hồ là ngọn bảo tháp 2 tầng và cây cầu cong tạc hình “lưỡi long hướng địa” nối bảo tháp với tam quan.
Đền Tam quan xây theo kiểu chồng diêm tám mái với các đầu đao cong vút đắp nổi hình đầu rồng, đan xen là mặt nguyệt, lá lật cách điệu mềm mại. Ðền chính có kiến trúc bao gồm 3 tòa với 14 gian lớn, nhỏ. Trong đó, nổi bật nhất là tòa Trung đường được dựng theo kiểu chồng diêm hai tầng tám mái cong.
Lễ chính tiệc đền Quan Tam hàng năm tại đền Lảnh Giang tổ chức hai kỳ Lễ hội, từ ngày 2 – 5/6 âm lịch và 20/8 âm lịch. Bên cạnh các nghi thức tế lễ, rước thánh, còn có phần hội gồm nhiều hoạt động hấp dẫn như: chọi gà, đánh gậy, đấu cờ người, tổ tôm điếm, múa sư tử, thi thổi cơm trên quang gánh, diễn tập trận giả, hát chầu văn, thi bơi chải trên sông Hồng…
Từ những giá trị về lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cổ truyền dân tộc của Đền Lảnh Giang, ngày 5/11/1996, Bộ Văn hóa Thông tin đã cấp bằng công nhận đền Lảnh Giang là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia.
Quan Lớn Đệ Tứ Khâm Sai
Quan Lớn Đệ Tứ Khâm Sai là quan lớn đứng hàng thứ tư trong Ngũ vị Tôn Quan, trấn giữ đồng bằng địa linh. Ngự trên Thiên Đình, biên chép sổ sách sinh tử.
Quan Lớn Đệ Tứ Khâm Sai vốn là con trai thứ tư của vua cha Ngọc Hoàng. Được vua cha giao quyền trấn giữ đồng bằng địa linh, khâm sai tứ phủ (có người cho rằng, trong các quan thì ông trấn ở trung tâm trời đất), tuy thế nhưng ông thường ngự trên Thiên Đình, biên chép sổ sách sinh tử, chầu chực bên bệ ngọc bàn loan. Cũng như Quan Đệ Nhất, Quan Đệ Tứ không giáng trần.
Theo sử ký thì Quan Lớn Đệ Tứ Khâm Sai xuất thế từ thời Vua Hùng làm tướng thứ 4 cùng với Quan Lớn Đệ Nhất Thượng Thiên và Quan Lớn Đệ Tam Thoải Phủ của Vĩnh Công đánh giặc cứu nước.
Khi ngự đồng ông mặc áo vàng thêu rồng, hổ phù; làm lễ tấu hương khai quang rồi chứng sớ điệp. Thông thường, khi mở phủ khai đàn, người ta mới hay thỉnh Quan Đệ Tứ về để chứng đàn Địa Phủ (gồm long chu, phượng mã, tượng phục, nghê quỳ (voi và nghê hoặc lân)… tất cả đều màu vàng).
Vì không giáng trần nên Quan Đệ Tứ cũng không có đền thờ riêng mà chỉ được thờ ở hầu hết các phủ đền trong Năm Tòa Ông Lớn (ông ngồi bên trái Quan Giám Sát hoặc bên phải Quan Tam Phủ). Còn ngày tiệc ông thì có tài liệu nói là 24/4 (nhưng nguồn tài liệu chưa chắc chắn nên chỉ đưa ra để tham khảo.
Tước phong hiệu của Quan Lớn Đệ Tứ Khâm Sai: Thiên Hựu đại vương thượng đẳng tối linh thần.
Đền thờ Quan Lớn Đệ Tứ Khâm Sai
Đền thờ Quan Lớn Đệ Tứ Khâm Sai nằm tại Thị trấn Vĩnh Bảo, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Đền thờ quan Khâm Sai lằm trên đường quốc lộ 10, cách chợ Thị trấn Vĩnh Bảo 200m, cách bệnh viên đa khoa huyện Vĩnh Bảo 300m.
Ngoài ra đền thờ Quan Khâm Sai ở đền Mẫu Sinh thuộc thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Và Đền thờ Ngài còn ở sau đền Đồng Bằng.
Lễ chính tiệc Quan Lớn Đệ Tứ Khâm Sai là ngày 24 tháng 4 âm lịch.
Quan lớn Đệ Ngũ Tuần Tranh
Trong Ngũ Vị Tôn Quan, cùng với Quan Lớn Đệ Tam, Quan Lớn Đệ Ngũ Tuần Tranh cũng là một vị quan lớn danh tiếng hết sức lẫy lừng, được nhân dân xa gần tôn kính phụng thờ. Tuy trong hàng Năm Toà Ông Lớn, ông được thỉnh cuối cùng nhưng lại hay ngự về đồng nhất (bất cứ ai hầu Tứ Phủ, bất cứ dịp tiệc, đàn lễ nào đều phải thỉnh Quan Tuần Tranh về ngự).
Quan lớn Đệ Ngũ Tuần Tranh mặc áo lam thêu rồng, hổ phù; làm lễ tấu hương, khai quang, chứng sớ tán đàn rồi múa thanh long đao. Khi có đại đàn mở phủ hay bất cứ lễ tiệc nào, sau khi thỉnh các quan lớn về, đều phải đợi đến khi giá Quan Lớn Đệ Ngũ về chứng một lần hết tất cả các đàn mã sớ trạng rồi mới được đem đi hoá.
Tước phong của quan Tuần Tranh: Đệ ngũ tôn quan thượng đẳng tối linh thần – Cao Lỗ đại vương – Đệ ngũ Tuần Tranh.
Quan lớn Đệ Ngũ Tuần Tranh được vua cha Ngọc Hoàng ban cho quyền thống lĩnh thiên địa binh, thay quyền tam, tứ phủ đại diện cho con người (nhân vi chúa tể), thu chấp kim ngân tài mã, giải oan nghiệp sớ cho trần gian.
Quan Lớn Đệ Ngũ Tuần Tranh, hay còn gọi là Ông Lớn Tuần Tranh.. Ông cũng giáng dưới thời vua Hùng thứ 18, trong một gia đình ở phủ Ninh Giang (nay là Hải Dương). Ông cũng là vị tướng quân tài ba kiêm lĩnh thuỷ bộ, được giao quyền trấn giữ miền duyên hải sông Tranh. Ông đã lập được nhiều công lao to lớn nên được sắc phong công hầu. .
Đền thờ Quan Lớn Đệ Ngũ Tuần Tranh ở đâu?
Đền thờ Quan Lớn Tuần Tranh ở sông Tranh, xã Đồng Tâm, huyện Ninh Giang, Hải Dương. Đây chính quán quê nhà cũng là nơi ông trấn giữ duyên hải sông Tranh, cũng là nơi ông hiển tích. Ngoài ra còn có Đền Kì Cùng thờ Quan Lớn Đệ Ngũ Tuần Tranh lập bên bến sông Kì Cùng, qua cầu Kì Lừa (là nơi ông bị lưu đày).
Ngày tiệc chính của quan lớn Tuần Tranh là ngày 25/5 âm lịch (là ngày ông bị lưu đày và bảo nhân dân quê ông làm giỗ vào ngày này), ngoài ra vào ngày 14/2 các đền thờ ông cũng mở tiệc đón ngày đản sinh của quan.
Tham khảo bài viết hay:
Cách bài trí bàn thờ Thần Tài Thổ Địa đúng chuẩn thu hút tài lộc
( Congvientamlinh.com – tổng hợp).