Ý nghĩa quẻ càn vi thiên hay còn gọi là quẻ kiền vi thiên. Muốn hiểu quẻ Kiền cũng như các quẻ Dịch sau này, trước hết phải hiểu bốn chữ Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh. Ở quẻ khác ngoài hai quẻ: quẻ Càn Vi Thiên và quẻ Khôn Vi Địa, thời Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh được bình giảng như sau:
Nguyên là lớn mạnh, hào hùng, cao đại. Hanh là thông suốt, chôi chẩy, không bị bế tắc. Lợi là lợi ích, hay thích nghi, thích đáng. Trinh là chính, là bền (Trinh cố, chính trực, bền vững) Chúng dạy ta bài học thực tế sau đây:
Ở đời muốn thoát khỏi mọi bế tắc, muốn lướt thắng được mọi trở lực, chúng ta phải lớn, phải mạnh. Muốn được lợi ích lâu bền, và đích thực, phải theo chính Đạo, Chính Lý.
Nhưng ở Ý nghĩa quẻ càn vi thiên, và quẻ Khôn Vi Địa, thời Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh lại khác: Nguyên là nguyên thủy, căn do, gốc gác. Hanh là biến hoá, trường thịnh, hanh thông. Lợi là thoải mái, ích lợi. Trinh là thành đạt, bền vững, vĩnh cửu.
Tiên Nho thường dùng bốn chữ này, để mô tả bốn giai đoạn của cuộc Tiến Hoá quần sinh:
-Căn nguyên Trời làm cho vạn vật trổ sinh. (Nguyên)
– Nhờ căn nguyên ấy, nhờ nguồn sống vô biên ấy, vạn vật trở nên lớn mạnh, phát huy được mọi tiềm năng, tiềm lực. (Hanh)
– Nhờ vậy sẽ có những ứng dụng vô biên, và sẽ được thoải mái, thảnh thơi, toại ý.(Lợi)
– Cuối cùng sẽ đi đến chỗ thành tựu, đến chỗ hoàn thiện. (Trinh)
Như vậy chỉ dùng bốn chữ Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh mà vẽ được tất cả vòng biến thiên, tiến hoá của Trời Đất, từ lúc manh nha (Nguyên) cho đến lúc kết quả (Trinh).
Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh ứng vào bốn mùa là Xuân, Hạ, Thu, Đông; ứng vào tiết tấu biến dịch là Sinh, Trưởng, Liễm, Tàng.
Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh nơi con người ứng vào tứ đứcNhân, Nghĩa, Lễ, Trí. Nói cách khác, Nguyên là Tận thiện, Hanh là Tận Mỹ, Lợi là Thái Hòa, Trinh là Hoàn Thiện.
Bài viết tham khảo thêm về Quẻ Càn Vi Thiên:
Nơi vũ trụ, thì vòng tiến hoá có chiều phóng xuất. Tiên Nho gọi là xuất cơ, nó gồm Nguyên, Hanh. Và chiều nhập cơ, nó gồm Lợi, Trinh.
Nơi con người, thì vòng Tiến Hoá bắt đầu từ căn bản con người, là Thiên Tâm (Nguyên), diễn biến dần dần qua các bình diện Tâm, Trí, Xác, Gia đình, Quốc gia, Xã hội, Hoàn cảnh, Vật Chất,để cuối cùng lại quay trở về các bình diện nội tâm, tình, tính, để cho con người nhập thần, đạt Thiên Vị. Vì thế Dịch nói: Lợi trinh tính, tình dã (Văn Ngôn)
Thánh nhân là người đã nhận chân được cái căn nguyên Trời nơi lòng mình, nên sẽ dùng không gian, thời gian, hoàn cảnh làm môi trường, để phát huy mọi khả năng biến hóa của mình, để đi tới tận thiện, chỉ dạy cho con người đi đến tận thiện, làm cho mọi người sống trong cảnh thái bình, hoan lạc.
Cho nên:HỌC DỊCH ĐỂ BIẾT CĂN CỐT MÌNH, BIẾT MỤC PHIÊU MÌNH PHẢI ĐẠT TỚI, BIẾT NHỬNG PHƯƠNG TIỆN MÌNH CÓ THỂ CÓ, ĐỂ THỰC HIỆN MỤC PHIÊU ẤY.
Căn cốt mình là Cànnguyên, tức là Tính Trời, là Căn Trời.Mục phiêu mình phải liễu đạt là THIÊN TÍNH, THIÊN VỊ. Phương tiện mình có thể dùng là không gian, thời gian, hoàn cảnh, các khám phá của tiền nhân, sự cố gắng của chính mình, sức biến hóa của chính mình và của vũ trụ. Mạnh Tử nói: Nhân giai khả dĩ vi Nghiêu. Thuấn (Ta học Dịch phải có mục đích làm Đại nhân như Nghiêu, Thuấn) Thật là chí lý vậy.
Ý nghĩa quẻ càn vi thiên bàn về:
A- Trời, và Đạo Trời.
B- Thánh Nhân.
C- Quân tử.
D- Những nguyên tắc tổng quát để tu thân, xử thế.
( Công viên Tâm Linh cám ơn bạn đã theo dõi và tìm hiểu bài viết này ! ).
Yếu tố trời tượng nghĩa quẻ Càn Vi Thiên
Trước tiên, ta phải nhận định rằng người xưa có nhiều thành ngữ để chỉ Trời, để chỉ Tuyệt Đối, hay Thực Thể của vũ trụ
- Khi muốn đề cập đến Trời một cách tổng quát thì gọi là Đạo.
- Khi nói đến tính tình của Trời, thì dùng chữ Càn ( Kiền).
- Khi nói đến hình thể Trời thì dùng chữ Thiên.
- Khi dề cập đến Trời như vị chủ tể, thì dùng chữ Đế.
- Khi muốn về các hoạt động, các sự biến hóa của Trời thì dùng hai chữ Quỷ Thần.
- Khi nói về diệu dụng của Trời thì dùng chữ Thần.
- Khi xét về phương diện bản thể của vũ trụ, thì gọi là Dịch.
Dịch kinh muốn người bắt chước Trời, nên giống như Trời. Cho nên, nói về Trời, về tính Trời, thì dùng những chữ Cương kiện, Trung chính, Thuần túy, Chí tinh.
Dạy người, thì muốn cho người luôn luôn cương kiện, luôn luôn gắng gỏi công trình, thực hiện được trung chính, thực hiện thấu đáo được tinh hoa của Trời Đất, để rốt ráo trở nên thuần túy, chí thiện. Đó cũng là chủ trương của Đại Học và Trung Dung.
Cho nên, Dịch không phải dạy nghề bói toán để ta có một kế mưu sinh đoạn tháng, qua ngày, mà chính là trao cho con người một phương pháp để trở về với Trời, muốn cho con người trở nên Khiết, Tinh, Tinh vi, biến hóa theo thời gian, tuổi tác, hoàn cảnh, chứ không phải để cho thời gian, tuổi tác, hoàn cảnh lôi cuốn, mà ngược lại dùng tuổi tác, hoàn cảnh, thời gian, lịch sử làm công cụ để siêu phàm, nhập thánh.
Bàn về Đạo Trời, Văn Vương dùng có 5 chữ Kiền, Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh. Thực là vắn tắt hết sức, mà cũng hàm súc hết sức. Giải rộng ra, ta thấy Trời là nguồn gốc sinh ra muôn loài, làm cho muôn loài xương vinh, toại ý, để cuối cùng đạt được lý tưởng hoàn thiện, tinh hoa, và Trường Cửu vô biên.
Muốn thực hiện mục phiêu ấy, Trời dùng sự biến hóa, biến dịch tức là hiển lộ thần thông, phép tắc, để muôn loài theo đà thời gian, theo trào lưu Tiến Hoá, dần dần sẽ thực hiện được trạng thái thái hoà lý tưởng cuối cùng, theo ý Trời. Vì thế Thoán nói:
Kiện toàn Tính mệnh của mình.
Giữ gìn toàn vẹn tính lành Trời cho.
Mới hay:
Thóc gieo thành lúa, thành bông.
Tuần hoàn, thóc vẫn thủy chung là mình.
Trời dầu vạn trạng, thiên hình,
Nhưng mà chung thủy, sự tình chẳng hai. . .
Ý nghĩa đạo người quân tử trong quẻ Càn Vi Thiên
Ý nghĩa quẻ Càn Vi Thiên bàn về Đạo người quân tử, tức là bàn về phương pháp tu thân, để đi từ Nhân vị đến Thiên vị, quẻ Kiền dạy ở:
– Tượng Truyện: Người quân tử phải cố gắng không ngừng, y như Trời hoạt động không ngừng. Người quân tử phải luôn luôn cố gắng tiến đức, tu nghiệp, cốt làm sao vươn lên đến một đời sống lý tưởng, qui tụ vào nơi mình mọi vẻ đẹp đẽ, rồi ra làm cho mọi người cũng được Tiến Hoá, cũng được hoan lạc, sung sướng và cũng thực hiện được lý tưởng hoàn thiện như mình (Thiên hành kiện. Quân tử dĩ tự cường bất tức).
Dụng các hào quẻ Càn Vi Thiên
Quẻ Càn Vi Thiên cấu trúc bởi 6 hào dương. Nguyễn tắc đối nhân xử thế dạy ta bài học nhân sinh, tu thân, xử thế ở nơi các Hào.
1. Hào Sơ Cửu. Theo Dịch Kinh, dẫu ta có chí cả, nhưng chưa đủ tài đức, chưa gặp được thời cơ, thì cũng không được khinh suất (Tiềm long vật dụng)
2. Hào Cửu nhị. Khi đã gặp thời cơ thuận tiện hơn, có địa vị khả quan hơn, khi tài đức mình đã bắt đầu hiển lộ, khi đã được mọi người đặt kỳ vọng vào mình, thời nên cộng tác với các bậc Minh vương, hoặc vị nguyên thủ có tài đức để mưu ích cho thiên hạ (Hiện long tại điền. Lợi kiến đại nhân)
3. Hào Cửu tam. Dẫu đã có địa vị hơn người, nhưng vẫn phải một lòng cầu tiến, luôn luôn gắng gỏi ra công tiến đức, tu nghiệp, luôn luôn biết phòng nguy, lự hiểm, có vậy mới vô sự (Quân tử chung nhật kiền kiền. Tịch dịch nhược. Lệ. Vô cữu)
4. Hào Cửu tứ. Hơn nữa càng lên cao, càng phải e dè, thận trọng, càng cần phải biết xét nét nhân tình, xét nét tâm lý người trên, kẻ dưới. Phải biết cơ vi tiến thoái; phải biết đợi thời cơ thuận tiện mới hành động, mới vẫy vùng; không bao giờ được quyết định, được hành động cẩu thả.
Tóm lại, sống ở đời cần phải biết nhẽ tiến thoái. Tiến thoái cho thích đáng, hành động cho hợp thời, mới tránh được mọi chuyện đáng tiếc, đáng phàn nàn ( hoặc dược tại uyên. Vô cữu)
5. Hào Cửu ngũ. Khi đã lên ngôi trời, thống trị muôn dân, thì phải thi hành thiên Đạo, chọn hiền tài phụ bật, để thực hiện một cuộc cai trị lý tưởng cho muôn dân (Phi long tại thiên. Lợi kiến đại nhân).
6. Hào Thượng Cửu. Khi đã lên tới tuyệt đỉnh, lại càng phải gia ý đề phòng, và cũng nên nghĩ đến chuyện công thành thân thoái, mới được vẹn toàn (Kháng long hữu hối).
Ý nghĩa quẻ Càn Vi Thiên về phương diện tu thân
ta có thể ghi nhận một vài bài học sau đây.
1. Khi mới giác ngộ, khi mới vừa nhận định ra rằng trong lòng mình có căn trời, có thiên địa chi tâm, thời phải hết sức chắt chiu, ấp ủ, không được khinh xuất, phá tán.
2. Khi tài đức đã hiển lộ, thời nên cộng tác với các bậc Thánh Nhân hiền đức ở trên mình, để có thể mang tài đức giúp ích cho đời đến mức tối đa.
3. Lúc nào cũng phải cố gắng tu thân, tiến đức.
4. Ngoài ra, còn phải tỏ ra tri cơ, thức nhân tâm và thời vụ.
5. Mục đích của công cuộc tu thân là thực hiện Thiên Đức, đạt tới Thiên vị, trở nên hoàn thiện.
6. Khi quang huy đã lên tới cực điểm, lại càng phải hết sức khiêm cung, càng phải thông đạt lẽ tiến thoái, tồn vong. . .
Tóm lại: ý nghĩa quẻ Càn Vi Thiên cho rằng:
Về phương diện Triết học & Đạo giáo :
Trời là căn cốt cũng là cùng đích của muôn loài, hằng lồng trong vạn vật, để làm căn cơ, làm chủ chốt cho mọi công cuộc biến thiên, tiến hoá. Và tất cả sự biến chuyển, biến dịch của Trời chỉ cốt làm sao cho vạn vật phát huy được mọi tiềm năng, tiềm lực của mình; được thảnh thơi toại ý, và cuối cùng đạt được sự hoàn thiện, hoàn mỹ, trở về được với bản thể Thái Hòa nguyên thủy.
Về phương diện chính trị:
Ý nghĩa quẻ Càn Vi Thiên cho rằng Vương Đạo phải mô phỏng theo Thiên Đạo. Như vậy bậc quân vương phải là người hoàn thiện, thực lòng thương xót chúng dân, đem Đạo lý chân chính ra thi hành để đem an ninh lại cho thiên hạ.
Về phương diện tu thân và xử thế:
Ý nghĩa quẻ Càn Vi Thiên cho rằng: Nếu chúng ta có căn cơ, có chí khí, có nghị lực, lúc nào cũng cương quyết, cũng hăng hái, thì dẫu làm gì cũng nên công. Tuy nhiên, hăng hái, mạnh mẽ cũng chưa đủ, mà phải hăng hái, mạnh mẽ theo đúng đường Đạo lý, theo đúng gương Trời, đúng đường lối Trời mà hành sự, mới có thể lập được đại công, đại nghiệp.
Ngoài ra, dẫu rằng mình là người tài cao, trí cả, cũng không bao giờ được vọng động, mà phải hành động cho hợp thời, hợp cảnh, hợp Đạo lý. Khi chưa đạt tới mức hoàn thiện, hãy cố gắng vươn lên.Khi đã đạt mức hoàn thiện, phải lo triển dương tài đức, giáo hóa chúng dân, thi ân bá trạch cho thiên hạ.
Phải luôn luôn gắng gỏi công trình và như con rồng thiêng, luôn luôn biến hóa. Phải noi gương Trời mà hành sự. Phải tiến lên Thiên đức, Thiên vị.
Ý nghĩa quẻ Càn Vi Thiên như muốn tiên đoán về một thời hoàng kim mai hậu, mà mọi người đều như nhau, sống sung sướng, như một đàn rồng bay trên thinh không, mà chẳng cần có con đầu đàn dẫn lộ, sống một cuộc đời thuận Đạo lý vì nhìn tỏ thấy Luật trời ghi tạc nơi tâm (Kiền quần long vô thủ cát) Như vậy chẳng phải là những bài học quí báu hay sao?
Tham khảo bài viết giới thiệu về Nghĩa Trang đẹp nhất hiện nay:
Áp dụng ý nghĩa quẻ Càn Vi Thiên vào cuộc sống
Khi vào Kinh Dịch, ai cũng nói là đọc ý nghĩa quẻ Càn Vi Thiên ( Kiền Vi Thiên) và quẻ Khôn vi địa là khó hiểu nhất, nhưng theo tôi (Huyền Linh, tác giả bài này). Nó không có gì khó hiểu cả, khó hiểu chỉ vì người đọc Dịch cứ tìm tòi tiểu tiết, của từng câu chữ Hán, nên như bị vào mê hồn trận, không có lối ra. Rồi sau đó đoán mò, hiểu bậy bạ, theo thiển kiến của họ.
Tôi cũng như phần đông độc giả, chỉ biết võ vẽ vài ba chữ Hán, hiểu lơ mơ mấy chữ đã phiên Âm, nhưng đã hiểu ý nghĩa của toàn quẻ sau khi đọc lời Bình Giảng, mà nhà tôi đã soạn khi xưa, lúc dạy Dịch ở Đại Học Minh Đức Việt Nam, nên tôi đã nẩy ra ý định cộng tác với chồng tôi, về phần Áp dụng vào thời đại. Để minh chứng với người xưa rằng: không phải là những người trên 50 tuổi mới hiểu được Dịch.
Mà ngay một người độ 18 tuổi (đọc và viết thông tiếng Việt), sau khi đọc phần Bình Giảng, và phần Áp dụng ý nghĩa quẻ Càn Vi Thiên vào Thời đại của tôi soạn, (nếu thông hiểu tiếng Việt) thì cũng hiểu. Tôi muốn chứng minh rằng phụ nữ, không những cũng có thể học Dịch, mà còn có thể tham gia vào phần nghị luận về tư tưởng, cũng như về Đạo Lý, như các bậc tiền bối Thánh Hiền.
Sự thật, học Kinh Dịch chẳng có gì là quá khó khăn như người ta tưởng. Tôi xin trình bầy cách hiểu ý nghĩa quẻ Càn Vi Thiên ( Kiền Vi Thiên) của tôi ra sao để quí độc giả thưởng lãm.
1- Khi bắt đầu vào quẻ nào, ta phải đọc kỹ Thoán, vì nó là tổng kết của toàn quẻ, và khi đã nắm được ý chính của nó muốn nói gì, thì ta sẽ hiểu rất dễ dàng các Hào sau này, vì Hào chỉ là khai triển từng giai đoạn, mà quẻ muốn nói mà thôi. Ví dụ: khi đọc Thoán Từ của quẻ Càn Vi Thiên, tôi đọc câu thơ:
Kiền nguyên tóm hết Đạo Trời.
Tóm thâu Thiên Đạo khúc nhôi sinh thành.
Và câu chót
Thánh Nhân vượt trổi chúng sinh,
Làm cho muôn nước an bình khắp nơi.
Là tôi hiểu ngay ý nghĩa quẻ Càn Vi Thiên ( Kiền Vi Thiên) muốn nói về Đạo Trời (Thiên Đạo) và về Chính Trị (muôn nước an bình) từ lúc mới manh nha, cho đến ngày Hoàn Thiện (Đạo Trời), và Hoàn Mỹ (Chính Trị)
Về Đạo Trời, thì tác giả đã nói quá rõ, trong phần Bình Giảng, ở đây tôi chỉ xin góp ý một chút trong phần Bình Luận nhỏ này về liên quan đến Chính trị trong quẻ Kiền. Ta thấy trong Hào 1, 2, 3, 4, luôn khuyên những người có chí lớn, nhưng chưa đủ kinh nghiệm và tài đức, phải cố gắng, cầu tiến; nhưng không được khinh xuất, phải e dè, thận trọng, phải biết đợi thời cơ thuận tiện mới hành động, phải biết lẽ tiến thoái.
Ngày nay, đúng vậy, người muốn lập sự nghiệp lớn, mới có chí lớn chưa đủ, mà ngay từ thuở thiếu thời đã phải học luật, học về chính trị, và phải xuất thân ở 1 Đại Học danh tiếng, phải gia nhập vào đảng Chính trị có uy tín trong nước, để dựa vào thế lực của đảng, làm nấc thang cho mình leo lên ngành cai trị dân.
Có thể lúc đầu từ cấp cai trị thấp, sau sẽ leo dần lên. Như vậy nếu mình là người thật lòng vì dân, vì nước, thì sự thành công sẽ dễ dàng hơn là một người không có tài đức, kinh nghiệm, mà cứ muốn nhờ gió bẻ măng. Nếu may mắn mà lên, thì đường hoạn lộ cũng không bền, còn không, sẽ thất bại dễ dàng.
Hào 5 nói đến bổn phận của một vì Thiên tử là phải chọn hiền tài phụ bật, phải thực hiện một cuộc cai trị lý tưởng cho muôn dân (chế độ Quân chủ xưa)
Hào 6 nói đến các vị vua sau này, thụ hưởng quá nhiều, đâm ra xa xỉ , phóng túng, hành vi quá trớn, do đó Hào 7 Dụng Cửu nói: Kiến quần long vô thủ. Cát, là khi nào nước do 1 nhóm người cai trị, mà không ai là người cầm đầu, ý nói là những người trong nhóm này có thẩm quyền quyết định ngang nhau.
Khi mà tất cả thế giới đều được như vậy, lúc đó sẽ là lúc Hoàn Mỹ. An bình thịnh trị sẽ đến với mọi người trên trái đất này. Phải chăng đó là chế độ Tổng Thống và Lưỡng viện của Hoa Kỳ hiện nay? Vì sao tôi nói vậy? Vì đã nghiềm ngẫm lịch sử từ xưa tới nay, tôi chưa thấy ở nước nào mà người dân bới lỗi lầm, bôi nhọ nhà vua, qua báo chí mà không bị trừng trị.
Hơn nữa, nếu người cầm đầu mà bất tài, thì đã bị lôi xuống rồi, chứ đừng nói là có thể hà khắc đối với dân chúng. Nhóm người cầm đầu lại do dân bầu: như vậy nếu họ làm hại dân, hay chỉ lo mưu đồ tư lợi cho cá nhân mình, nếu không bị chỉ trích hoặc truất phế ngay lúc đó, thì khoá sau, (chỉ cách khóa trước 4 năm), họ cũng không hy vọng gì được trở lại chức vị cũ.
Nếu ta áp dụng ý nghĩa quẻ Càn Vi Thiên ( Kiền Vi Thiên) vào các sự nghiệp khác, thì cũng vậy mà thôi, nghĩa là ta phải hoạch định ngay từ thuở thiếu thời, đường lối mà ta đã dự định, và ta nhất định theo đuổi tới cùng, dù vất vả, gian lao mấy cũng không sờn, thì sớm muộn gì ta cũng sẽ thành công.
( Bài viết lấy nguồn từ : Nhantu.net – quý độc giả click tra cứu bản gốc )